VÌ SAO BẠN KHÔNG THẬT SỰ KHỎE DÙ ĐÃ TẬP YOGA LÂU?

Huấn luyện viên Yoga Bùi Châu Đảo

Có một sự thật, không phải bất kỳ người tập Yoga đều đặn nào cũng đạt được sức khỏe tốt nhất. Để đánh giá tình trạng sức khỏe, theo triết gia, học giả phương Đông, có 6 tiêu chuẩn: không bao giờ thấy đau nhức mệt mỏi, ăn ngon miệng – tiêu hóa tốt, ngủ ngon giấc, trí nhớ tốt, vẻ mặt luôn vui tươi, trí phán đoán và hành động chính xác.

Lúc đầu, người mới tập Yoga nào cũng dễ dàng cảm thấy cơ thể mình linh hoạt, dẻo dai, nhiều năng lượng, sức khỏe tốt hơn vượt trội trong 3-6 tháng đầu. Nhưng sau đó, với những người tập lâu năm, phần lớn họ lại nhận ra rằng một số vấn đề cơ thể không hoàn toàn được cải thiện: vẫn cảm thấy khó thở, đau nhức mỏi chỗ này chỗ kia, khó ngủ, ăn không ngon, táo bón, viêm sưng, mụn nhọt, người mệt nhọc nặng nề, vẻ mặt không tươi vui, tâm trí không mạnh mẽ, tập trung.

Vậy lý do ở đâu???

Theo trải nghiệm của bản thân là người tập và dạy Yoga nhiều năm, nguyên nhân nằm ở một số thói quen chưa thay đổi được của người tập. Những thói quen đôi khi rất nhỏ, tưởng chừng vô hại nhưng lại khiến quá trình tập Yoga của bạn trở thành công cốc.

 

  • Uống nước trong lúc tập Yoga: Một số học viên dù đã tập ít nhất 1 năm, cũng thường trực uống nước trong và ngay sau khi tập. Nước hay các thực phẩm khi vào cơ thể cần 1 khoảng thời gian để hấp thụ và tiêu hóa. Cơ thể rất thông minh, sẽ chỉ ưu tiên thực hiện việc quan trọng hơn. Nếu bạn uống nước trong lúc tập, cơ quan tiêu hóa & bài tiết chỉ tập trung việc hấp thụ và đào thải nước, sẽ không thể tập trung nhận lợi ích từ các Asana. Do đó, quá trình tập của bạn trở nên vô ích. Vì thế bạn cần để bụng trống, đối với thức ăn là 2-3 tiếng trước khi tập, nước là 15-30 phút trước khi tập. Tập Yoga cũng để tạo năng lượng (prana) và khai thông các kênh năng lượng (nadis) cho cơ thể. Năng lượng có đặc điểm của lửa. Từng bài tập thở hay asana trong bài tập đang nhen nhóm lên ngọn lửa năng lượng lại bị nước dập tắt đi khi bạn uống nước vào. Vậy bạn hì hục tập để làm gì để rồi tự mình phá hủy nó. Sau khi tập, nên giữ lại ngọn lửa năng lượng này cho cơ thể. Vì thế đừng vội uống nước ngay mà hãy đợi 15-30 phút sau. Người càng có nhiều năng lượng thì càng khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Việc uống nước trong lúc tập chỉ khi bạn thấy cơ thể quá khát. Nếu uống hãy nhấm từng ngụm nhỏ với nước gần bằng nhiệt độ cơ thể và hoàn toàn ý thức chứ đừng uống ừng ực vào. Mọi người sợ mất nước khi tập vì đổ mồ hôi. Thực sự, khi tập Yoga đúng chậm rãi, tập trung, ý thức hít thở sâu và thư giãn giữa các asana, bạn sẽ không bao giờ có cảm giác khát nước dù trời đang nắng nóng.

 

  • Uống nước nhiều hơn cần thiết: Trước đây, khi nghe theo các thông tin báo đài khuyên cần uống ít nhất 1,5-2 lít nước mỗi ngày, mình cũng cố gắng uống nước. Nhưng mình phát hiện ra, càng uống nước chẳng những da dẻ không hề đẹp ra, sức khỏe không hề tốt lên mà còn đi tiểu liên tục rất phiền phức, hay tiểu đêm, thận yếu nên mắt có quần thâm, người dễ lạnh. Dù rằng mình đã tập Yoga rất nhiều năm rồi vẫn không cải thiện tình trạng này. Sau khi đọc quyển sách “Minh triết trong ăn uống phương Đông” của lương y Ngô Đức Vượng, thầy có khuyên là uống ít nước lại vì khi cơ thể nhiều nước không giúp sức khỏe tốt hơn, mà còn gây hại như máu loãng, gây sức ép lên tim, hại thận, cản trở quá trình đào thải độc tố… Mình uống ít lại, chỉ uống khi cơ thể cần, uống từ từ giữ nước lại trong miệng để cân bằng nhiệt độ với cơ thể rồi mới nuốt. Việc uống ít nhưng uống từ từ cũng đủ làm bạn hết khát, còn hơn là nốc ừng ực vào mà vẫn luôn thấy khát. Sau một thời gian mọi vấn đề sức khỏe nêu trên của mình được cải thiện.

 

  • Ăn uống đồ lạnh: Những vấn đề do ăn uống đồ lạnh cũng gây nguy hại đến sức khỏe. Trước đây dù tập Yoga, nhưng mình vẫn khoái ăn uống đồ lạnh. Mỗi khi ăn gì, dù thức ăn có nóng thì cũng gọi trà đá. Đây thật sự là một sự ngu ngốc cả một thời gian dài làm mình hay bị lạnh run người bất tử, dễ đau mỏi cứng cổ vai gáy, rụng tóc, tiểu rắt và đau dạ dày. Tất cả mọi vấn đề đều giảm dần và hết hẳn khi mình ngừng ăn uống đồ lạnh trong vòng 1 năm nay. Cũng theo lương y Ngô Đức Vượng, ăn uống đồ lạnh khi đang ngoài trời nắng nóng, hay cơ thể đang nóng do tập luyện hay ăn đồ nóng gây sự thay đổi nhiệt độ đột ngột bên trong khiến cơ thể trở nên nhiễm hàn (âm tính), từ đó nhiều bệnh xuất hiện: viêm họng, viêm phế quản, mãn tính, viêm mũi, cảm lạnh, viêm đa khớp.
  •  
  • HLV Yoga Bùi Châu Đảo
  •  

 

  • Chế độ ăn có quá nhiều chất axit: Những người tập Yoga đều đặn trên 1 năm nếu vẫn còn dùng những thực phẩm có chứa nhiều axit thường xuyên mỗi ngày như thịt, sữa, trứng, đường, các loại thức uống như café, trà xanh, trà sữa mà cơ thể không có bất kỳ phản ứng nào như tiêu chảy, táo bón, dị ứng, nổi mụn, nóng, đau bụng, khô da, căng thẳng… thì chứng tỏ là cơ thể của bạn không thật sự khỏe. Nhiều người nói với mình vẫn dùng những thứ này mỗi ngày thấy có sao đâu. Bạn cần phải hiểu nguyên lý rằng khi cơ thể bạn đầy rác bên trong, dù có tiếp nhận thêm rác nữa thì nó cũng chẳng buồn phản ứng, cơ thể đã mất dần chứng năng đề kháng tự nhiên rồi, đó là một cơ thể thật sự yếu. Nếu cơ thể bạn thật sự trong, sạch, khỏe, khi bạn đổ rác (chất độc) vào, theo cơ chế tự nhiên, nó sẽ bắt đầu phản ứng. Đó là khi cơ thể nói với bạn là “tôi không chịu được những thứ này, thật kinh khủng, hãy mang nó đi”. Khi bạn dùng nhiều thức ăn tạo axit nhưng cơ thể không hề phản ứng gì, và bạn cứ dùng, cứ dùng, thì nguy cơ viêm nhiễm nặng rất cao vì máu quá nhiều axit. Những độc tố nếu không được đẩy ra ngoài bằng những u nhọt bên ngoài như mụn nhọt, nóng, ngứa… nó đang âm thầm tạo nên những u nhọt bên trong. Mà u nhọt bên trong đó chính là những khối u tạo nên căn bệnh ung thư. Ăn nhiều những thực phẩm tạo axit còn là nguy cơ cao dẫn đến những vấn đề như loãng xương, đau khớp, rối loạn nội tiết, lão hóa sớm. Cơ thể thật sự cân bằng và khỏe mạnh khi duy trì được độ PH trung bình từ 7.4. Hãy bổ sung nhiều rau xanh, bông cải xanh, các loại đậu, hạt, chuối, cà rốt, bí đỏ, hạt mè trong chế độ ăn để giúp cơ thể duy trì được. Nhờ việc tập Yoga đúng cách, cơ thể bạn có sức đề kháng rất tốt, và nhạy cảm với những độc tố được đưa từ ngoài vào. Hãy lắng nghe và yêu thương cơ thể nhé.

 

  • Lạm dụng thực phẩm chức năng: Người tập Yoga thường rất quan tâm đến sức khỏe nên sẽ tiếp cận nhiều cách để cải thiện và duy trì sức khỏe tốt nhất. Thực phẩm chức năng cũng là một giải pháp. Thực phẩm chức năng là thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên qua chế biến, có thể bổ sung thêm một số chức năng để hỗ trợ điều trị hay phòng ngừa bệnh nhưng nếu dùng nhiều quá sẽ gây hại. Ví dụ như có một thời gian mình dùng tinh bột nghệ để cải thiện vấn đề tiêu hóa do viêm dạ dày. Thời gian đầu dùng thì giúp ích. Nhưng mỗi ngày mình cứ uống lại trở nên bị nóng dạ dày, mặt nổi mụn tùm lum nên ngưng, không dùng tiếp. Cơ thể hoàn toàn có thể tự chữa lành tự nhiên khi bạn làm tốt 5 điều Yoga hướng dẫn mỗi ngày: hít thở đúng, tập tư thế đúng, thư giãn đúng, dinh dưỡng đúng, tư duy tích cực & thiền. Trong đó dinh dưỡng đúng nên là thức ăn tự nhiên vì trong thức ăn tự nhiên với các loại rau củ quả ngũ cốc hạt đã cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và những chất có lợi cho chức năng cơ thể, phòng ngừa bệnh tật thậm chí có chức năng chữa bệnh. Các loại thực phẩm chức năng dạng qua chế biến hay dạng viên uống nếu dùng nhiều làm cho khả năng miễn dịch và điều tiết Enzyme trong cơ thể bạn kém dần. Theo bài viết đăng trên Vnexpress của bác sĩ Cao Ngọc Bích, dùng nhiều liên tục hay dùng quá liều thực phẩm chức năng khiến chất dư thừa không đào thải hết biến đổi thành chất độc hại gây rối loạn chức năng cơ thể và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Các quảng cáo thì luôn khuyên bạn nên dùng mỗi ngày để đẩy nhanh tốc độ bán hàng, nhưng là người tập Yoga bạn phải có mức độ cảm nhận cơ thể của riêng mình và đưa ra những quyết định sáng suốt. Nếu thực phẩm chức năng đã giúp bạn cải thiện xong một vấn đề cơ thể, thì ngưng không dùng nữa chuyển sang chế độ ăn cân bằng với đầy đủ dinh dưỡng, kết hợp tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần thoải mái là đủ rồi.

 

  • Tắm ngay sau khi tập Yoga: Các phòng tập Yoga hiện đại đều trang bị phòng tắm, không những vậy còn có cả phòng xông hơi. Tưởng là tiện nghi. Nhưng thường cái gì tiện nghi mà không đi kèm với sự hiểu biết chỉ làm hại con người thôi. Cũng như uống nước, bạn dập tắt lửa năng lượng đã tốn công sức để đốt lên qua quá trình tập bằng việc dội nước vào ngay sau buổi tập. Thật là một việc làm không có ý nghĩa gì cả, phí cho việc tập mà còn làm bạn dễ bị nhiễm lạnh, dễ gây đau khớp, nhức mỏi. Thay vì thế, sau khi tập xong, nên nằm lâu hơn trong tư thế Savasana, có thể trùm chăn, mền lại để giữ năng lượng lâu hơn cho cơ thể. Nếu bạn ra mồ hôi nhiều, dùng khăn thấm mồ hôi hoặc thay áo khác, rồi mặc áo khoác vào và chạy về nhà. Chỉ nên tắm trong vòng 15-30 phút sau khi thư giãn cuối đã hoàn tất. Tốt hơn nữa, nên tắm sạch sẽ trước khi tập, sau khi tập xong chỉ cần lau nhẹ mồ hôi là được. Tắm sau khi tập làm cơ thể dễ nhiễm lạnh hơn trước khi tập.

 

  • Tắm sau khi mặt trời lặn: Yoga tập hít thở giúp hơi thở sâu vậy tại sao bạn thường xuyên khó thở? Một số bạn học Yoga hỏi mình như vậy. Sau khi khảo sát các thói quen thường ngày của các bạn, mình phát hiện ra những người khó thở, hay đau nhức khớp, hoặc là khớp hay kêu răng rắc đều hay tắm về đêm. Vì đi làm về tối nên phải tắm đêm. Bản thân mình cùng thường về nhà lúc 8h-9h tối, nhưng mình đã bỏ thói quen tắm đêm 1 năm nay. Mình có vấn đề bẩm sinh là bị khó thở, suyễn nhẹ, tập Yoga thời gian đầu thấy hết, nhưng không dứt hẳn. Từ ngày bỏ tắm tối, mình không còn bị khó thở nữa. Khi mặt trời đã lặn hoàn toàn, môi trường sống chuyển sang tính âm, không phù hợp cho những đồ ăn hay hành động mang nhiều tính âm (mát, lạnh), vì điều đó làm mất cân bằng âm-dương trong cơ thể. Tắm đêm là một thói quen vô cùng gây hại cho phổi của bạn. Phổi nhiễm nước, cơ thể nhiễm lạnh, làm sao bạn có cơ thể khỏe mạnh thật sự. Nhưng khi mình khuyên các bạn đừng tắm đêm nữa, bạn nói khó quá. Bạn chỉ cần vốc nước vào các phần như mặt, tay, chân, cơ quan sinh dục, tránh phần ngực, lưng, đầu ra, cũng đủ bạn thấy sạch sẽ, sảng khoái rồi. Đừng bị bám víu vào cảm giác hay thói quen nữa vì nó đang làm hại bạn mà.
  •  
  • Huấn luyện viên Yoga Châu Đảo

 

 

  • Thư giãn không kỹ khi tập Yoga: Thư giãn (Savasana) là không thể thiếu nhưng nó chưa thật sự được xem trọng bởi đa số người tập Yoga. Họ cứ nghĩ cứ tập các tư thế nỗ lực là đủ rồi. Và rất nhiều học viên đang tập chưa hết giờ nhưng phải ra về, thì họ sẵn sàng bỏ qua bước thư giãn cuối. Hay một số học viên nằm thư giãn được vài phút thì lăn qua lăn lại, họ không nằm yên được cho đến cuối buổi. Thậm chí có người thư giãn xong hết buổi, ngồi lên lại tập thêm vài tư thế mà mình yêu thích, chắc họ thấy chưa đã hay sao. Thật sự, quá trình thư giãn nếu thiếu hoặc thư giãn không kỹ, đó chính là nguyên nhân khiến cơ thể bạn càng tập càng thấy đau nhức. Lúc đầu bạn không thấy gì cả, nhưng nếu càng tập lâu lại tập tư thế với độ khó cao, phải căng cơ nhiều, mà bạn không thư giãn kỹ, axit lactic tích tụ trong cơ, xương, khớp là nguyên nhân gây đau nhức. Thư giãn không đủ, trương lực cơ không được cân bằng trở lại, gây bó cơ và tắt nghẽn các mạch máu. Cơ thể luôn trong tình trạng thiếu Oxy vì thiếu thư giãn và hít thở trong lúc tập là điều đáng tiếc với những người tập Yoga mà chỉ tập trung vào việc lên tư thế. Về mặt thời gian, nếu bạn tập 60 phút thì trong đó cần có 20 phút thư giãn bao gồm thư giãn giữa buổi và 10 phút thư giãn sâu cuối buổi. Thư giãn sâu là khi bạn cảm thấy cơ thể hoàn toàn hồi phục năng lượng và thư giãn cả cho tâm trí của mình nữa. Chứ đừng thư giãn qua loa cho có. Tác dụng của các Asana chỉ thực sự phát huy thông qua bước thư giãn, đó là khi khí huyết trong cơ thể được lưu thông tự nhiên nhất. Việc tập liên tục không thư giãn là đang kích hoạt quá mức hệ thần kinh giao cảm, sẽ gây nguy hại đến các hệ cơ quan như tim, phổi, thận, cơ quan tiêu hóa, sinh dục về lâu dài.

 

Tổng kết lại, việc bạn tập Yoga rất nỗ lực, rất chăm chỉ sẽ chẳng có lợi ích gì cho sức khỏe nếu bạn tập không đúng cách, không hiểu về cơ chế vận hành của cơ thể, và quan trọng hơn là bạn chỉ tập hì hục mà không thay đổi những thói quen gây hại đến sức khỏe. Thực tế, khi mình quan sát một số người thật sự khỏe mạnh, họ không tập quá nhiều quá sức, họ chỉ giữ mức độ tập luyện vừa sức nhưng rất đều đặn mỗi ngày, và hoàn toàn giữ được những thói quen tốt. Có lẽ bạn không hề muốn mình cứ mãi dọn rác, lại có người khác cứ liên tục đổ rác vào nhà. Đáng tiếc, việc bạn siêng năng tập Yoga mà lại không bỏ được một số thói quen gây hại cũng như việc bạn hì hục quét rác rồi lại tự đổ rác vào nhà mình vậy.

 

Bài viết của HLV Yoga Bùi Châu Đảo