Sales Management

5 LỖI SAI THƯỜNG THẤY TRONG 1 BÀI VIẾT BÁN HÀNG

1. Mở đầu lan man, nói về mình quá nhiều – quên rằng khách hàng chẳng quan tâm đến bạn, và họ chỉ quan tâm vấn đề của họ

Mô tả lỗi:

Đây là lỗi cơ bản nhưng lại phổ biến nhất. Người viết thường bắt đầu bài viết hoặc video bằng một giọng điệu rất… doanh nghiệp, ví dụ như:

“Chúng tôi là thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực chăm sóc da, với hơn 5 năm kinh nghiệm, đã phục vụ hơn 10.000 khách hàng trên toàn quốc…”.

Trong khi người đọc thì… vừa lướt Facebook vừa nghĩ đến deadline, vừa check tin nhắn crush. Họ không rảnh để biết bạn là ai. Và quan trọng hơn, họ chỉ quan tâm: Tôi đang gặp vấn đề, bạn giúp gì được cho tôi?

Vì sao sai:

• Mở đầu không đúng tâm lý người đọc. Khách hàng không “tự nhiên quan tâm”, họ chỉ quan tâm khi thấy liên quan.

• Câu chữ mang tính phô trương thay vì kết nối.

• Rơi vào “tư duy nội tâm thương hiệu” – thay vì “ngoại hướng theo người đọc”.

Hệ quả:

• Mất vàng 3 giây đầu tiên để giữ chân người đọc.

• Tỷ lệ bounce cao (thoát trang, bỏ qua bài viết).

• Làm giảm cảm xúc và động lực kéo người đọc xuống đoạn tiếp theo.

Cách sửa:

Hãy mở đầu bằng một trong các hướng sau:

• Đặt vấn đề gần gũi: đưa họ vào một tình huống quen thuộc.

• Kể một câu chuyện cụ thể: cho họ thấy chính mình trong đó.

• Tấn công trực tiếp nỗi đau / mong muốn của họ ngay câu đầu tiên.

Ví dụ mở rộng:

Bản chưa tối ưu:

“Chúng tôi là công ty chuyên cung cấp sản phẩm giảm cân chiết xuất từ thiên nhiên, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Với cam kết vì sức khỏe cộng đồng, chúng tôi luôn nỗ lực…”.

Bản tối ưu:

“Bạn đã từng trải qua cảm giác này chưa?

Mua một bộ váy cực kỳ yêu thích. Nhìn trên ma - nơ - canh thì ôm eo, gọn dáng. Nhưng đến khi mặc vào… cái khoá kéo sau lưng như đang giễu cợt bạn.

Cân nặng không đáng sợ. Cái đáng sợ là… nó khiến bạn mất cả cảm giác muốn yêu chính mình”.

Bài viết này chưa nói gì đến sản phẩm, nhưng nó làm được điều quan trọng hơn: đặt người đọc vào một khung cảnh, tình huống cụ thể của đời sống, để từ đó xây dựng cầu nối cảm xúc trước khi đi vào giải pháp.

Cách phá vỡ trạng thái KH

 

2. Viết cho tất cả mọi người – và cuối cùng chẳng ai thấy mình trong đó

Mô tả lỗi:

Lỗi này thuộc về tư duy: “viết càng rộng càng tốt, càng nhiều người đọc càng có cơ hội bán”. Và thế là bài viết bắt đầu với kiểu:

“Sản phẩm phù hợp với tất cả mọi người đang quan tâm đến chăm sóc da…”.

Nghe thì có vẻ inclusive (bao trùm), nhưng thực tế là không có cá nhân nào thấy mình được gọi tên.

Vì sao sai:

• Người ta chỉ cảm thấy bị thuyết phục khi họ thấy mình trong nội dung.

• “Mọi người” là ai? Là mẹ bầu? Sinh viên? Nhân viên văn phòng? Da dầu hay da khô?

• Một thông điệp càng cụ thể – càng có khả năng gợi cảm xúc.

Hệ quả:

• Ngôn ngữ trở nên nhạt, không sắc thái, không gọi đúng cảm xúc.

• Người đọc lướt qua vì không thấy “tôi” ở đâu trong đoạn văn.

Cách sửa:

Trước khi viết, hãy làm rõ:

• Bạn đang viết cho ai? Một nhóm cụ thể, càng chi tiết càng tốt.

• Họ đang ở trạng thái cảm xúc nào? Nghi ngờ, kỳ vọng, lo sợ, mặc cảm?

• Họ thường xuất hiện ở đâu? Facebook, Tiktok, fanpage, hay Google?

Ví dụ mở rộng:

Bản chưa tối ưu:

“Kem chống nắng phù hợp với tất cả mọi người, giúp bảo vệ da dưới tác hại của tia UV”.

Bản tối ưu:

“Bạn là mẹ bỉm, chỉ có 5 phút mỗi sáng để lo cho bản thân. Thế mà, 5 phút đó lại phải chia cho việc lau mặt, thoa kem, chống nắng, phủ nhẹ lớp cushion để trông đỡ nhợt nhạt.

Vậy thì, bạn cần một tuýp kem gọn – nhanh – hiệu quả. Không làm trắng bệch, không dính rít, không đợi thấm. Chỉ cần phủ lên một lớp, và tự tin xách giỏ ra ngoài”.

Với bản này, ta đang nói trực tiếp với một persona cụ thể, đặt họ vào ngữ cảnh cụ thể, và dùng ngôn ngữ của chính họ để dễ dàng "lay động" họ hơn.

Cấu trúc storyselling

 

3. Chỉ mô tả tính năng sản phẩm – mà không dịch ra lợi ích cảm xúc

Mô tả lỗi:

“Sản phẩm có chứa vitamin C, E, Niacinamide giúp dưỡng trắng da và làm mờ vết thâm nám”.

Đây là lỗi mà hầu hết người viết mới đều mắc phải – vì họ nghĩ người tiêu dùng quan tâm đến thành phần. Nhưng người tiêu dùng không mua “vitamin C” – họ mua cảm giác khi họ đẹp lên vì có vitamin C.

Vì sao sai:

• Tính năng là thứ có thể copy dán từ vỏ hộp.

• Khách hàng không cần biết bạn cho cái gì vào – họ cần biết: Tôi sẽ được gì? Tôi sẽ thấy gì? Tôi sẽ được khen như thế nào?

Hệ quả:

• Bài viết trở nên nhàm chán, giống tờ rơi sản phẩm.

• Không tạo được hình ảnh sinh động – cảm giác, xúc giác, ánh nhìn.

Cách sửa:

• Biến tính năng thành lợi ích cảm xúc.

• Mô tả bằng hình ảnh – hoặc kể một chi tiết đời sống người dùng sẽ trải qua sau khi dùng sản phẩm.

Ví dụ mở rộng:

Bản chưa tối ưu:

“Kem có thành phần Niacinamide 5%, giúp làm sáng da và giảm bã nhờn”.

Bản tối ưu:

“Sáng nay bạn ra đường với làn da để mộc. Không cushion, không che khuyết điểm. Và rồi cô bạn đồng nghiệp nhìn bạn và hỏi:

‘Ê, dạo này da trắng lên hả? Mịn ghê luôn á!’.

Niacinamide không khiến bạn đẹp trong 1 đêm. Nhưng sau 14 đêm, bạn sẽ biết thế nào là da khỏe từ bên trong”.

Phần nội dung

 

4. Không có cấu trúc – viết kiểu “nghĩ tới đâu viết tới đó”

Mô tả lỗi:

Bài viết thiếu nhịp: không có mở – thân – kết. Các đoạn rối rắm, thông tin quan trọng thì nằm lẫn trong dòng, CTA nằm lọt thỏm giữa đoạn, kết thúc thì cụt hứng.

Vì sao sai:

• Người đọc online lướt rất nhanh – họ cần cấu trúc thị giác để dẫn dắt hành vi đọc.

• Không có logic sẽ làm họ không biết nên tập trung vào phần nào.

Hệ quả:

• Bỏ qua các đoạn quan trọng.

• Đọc xong vẫn không nhớ sản phẩm giúp gì.

Cách sửa:

• Dùng khung bài: AIDA, PAS, BAB hoặc hybrid (kết hợp).

• Nhấn nhá bằng kỹ thuật thị giác: xuống dòng, in đậm, liệt kê, chia cột…

Ví dụ mở rộng – theo khung PAS:

Problem:

Mỗi sáng thức dậy, bạn lại loay hoay với gương mặt mệt mỏi, làn da nhợt nhạt, lỗ chân lông to dần, và thâm quầng mắt cứ bám hoài…

Agitate (khuấy động):

Bạn đã từng thử đủ loại kem – serum – mặt nạ ngủ, nhưng da vẫn cứ khô ở má, nhờn ở mũi, và xuống tone nhanh mỗi chiều?

Solve:

Bạn không cần thêm một loại mỹ phẩm nữa. Bạn cần một giải pháp phục hồi nền da từ gốc, tối giản nhưng hiệu quả.

Chúng tôi đã nghiên cứu hơn 2000 phản hồi người dùng và phát triển sản phẩm X, với cơ chế khóa ẩm sâu, phục hồi lớp lipid và tái thiết vi môi trường da.

CTA:

Nếu bạn đã từng mất tự tin khi đi làm chỉ vì làn da, hãy thử sản phẩm này – và cảm nhận sự khác biệt chỉ sau 7 ngày. Nhấp vào link để nhận ưu đãi bản dùng thử.

Cấu trúc bài viết

 

5. Thiếu hook đầu bài – không khiến người đọc dừng lại

Mô tả lỗi:

“Bạn đang tìm một sản phẩm dưỡng da tốt và hiệu quả?”.

Câu này không sai về ngữ pháp. Nhưng sai ở chỗ… nó quá đúng mực, đến mức không có cảm xúc. Trong thời đại ngôn từ bủa vây người dùng, không có hook tức là vô hình.

Vì sao sai:

• Không tạo sự ngạc nhiên, không khiến người đọc thấy phải dừng lại.

• Bị chìm giữa hàng ngàn content đang xuất hiện trước mắt khách hàng mỗi ngày.

Hệ quả:

• Không ai đọc tiếp đoạn sau.

• Dù có sản phẩm tốt cỡ nào – cũng không ai biết.

Cách sửa:

Viết lại phần đầu bằng:

• Câu hỏi nghịch lý

• Một chi tiết kỳ quặc

• Một sự thật gây shock hoặc gợi tò mò

Ví dụ mở rộng:

Bản chưa tối ưu:

“Sản phẩm mới giúp cải thiện làn da nhanh chóng và hiệu quả”.

Bản tối ưu:

“Cô ấy hỏi tôi có đang yêu không. Tôi ngạc nhiên. Vì sao lại hỏi vậy?

Cô ấy nói: Vì dạo này da chị sáng hơn hẳn. Nhìn rạng rỡ lắm.

Tôi nói: Tôi không đang yêu ai cả. Tôi chỉ vừa đổi kem dưỡng”.

Tâm lý mua hàng

 

Tham khảo thêm: Stricks for Subject